Bước tới nội dung

Danh lam thắng cảnh Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Đây là một phiên bản cũ của trang này, do Giám Định (thảo luận | đóng góp) sửa đổi vào lúc 00:02, ngày 14 tháng 5 năm 2023 (them ban do). Địa chỉ URL hiện tại là một liên kết vĩnh viễn đến phiên bản này của trang, có thể khác biệt rất nhiều so với phiên bản hiện hành.

Danh lam thắng cảnh Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa
Vị tríNúi Thành, Quảng Nam

Danh lam thắng cảnh Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa[1] là cụm danh thắng thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.[2]

Vị trí và tên gọi

<mapframe>: Không thể phân tích mã JSON: Lỗi cú pháp

Bàn Than là một bãi đá nằm trên xã đảo Tam Hải, Hòn Mang và Hòn Dứa là 2 đảo nhỏ kế cận, trên vùng cửa biển sông Trường Giang[3]. Ghềnh đá Bàn Than có chiều dài khoảng 2km,[4] khoảng cách từ đảo Tam Hải đến Hòn Mang, Hòn Dứa khoảng 0.5-1 km.

Tên gọi Hòn Mang, Hòn Dứa theo dân địa phương được đặt là do dựa vào những loại cây đặc trưng mọc nhiều trên hai hòn đảo nhỏ này, đó là cây dứa gai và cỏ mang.

Giá trị

Cảnh quan

Danh lam thắng cảnh Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa có vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ[5] với phong cảnh biển, bãi cát trắng, rừng dừa xanh và những bãi đá trầm tích với cảnh quan kỳ thú.[6]

Hòn Dứa có một bãi cát dài vàng mịn phù hợp để ca nô, thuyền bè cập bờ và việc tổ chức các hoạt động vui chơi, tắm biển.[7]

Địa chất - địa mạo

Vách đá tại Bàn Than có màu đen, xếp chồng lên nhau kéo dài hơn 2km, đỉnh cao khoảng 40m.[8] Các lớp đá uốn nếp với hình thù nhiều tư thế: nghiêng, chờm hoặc đứt đoạn, quan sát được trên nhiều vết lộ di sản địa chất độc đáo. Theo nhận định của các nhà địa chất[ai?], đá ở khu vực này không phải là đá núi lửa, mà là đá gốc có tuổi đến 400 triệu năm, nhô lên khỏi mặt biển qua một đợt kiến tạo địa chất.[9] Về địa tầng, các đá trầm tích lục nguyên và núi lửa lộ ra nhiều nơi dọc bờ biển. Các thành tạo địa chất này có tính phân lớp, phiến hóa mạnh tạo thành những lớp mỏng xếp chồng nhau với nhiều màu sắc xám, xanh, phớt đỏ.[3]

Khu vực có di sản địa chất: cổ sinh, địa tầng, địa mạo, cấu trúc - kiến tạo, karst, đá, cổ môi trường phong phú.[3] Nơi đây những đặc trưng tiêu biểu của quá trình tiến hóa vỏ trái đất, liên quan tới sự hình thành và tách giãn Biển Đông; là địa điểm có giá trị đối với việc nghiên cứu và làm sáng tỏ các giai đoạn phát triển địa chất của vỏ Trái Đất.[9]

Tháng 8 năm 2017, hội thảo khoa học “Nhận diện giá trị di sản địa chất tại huyện Núi Thành” có sự tham gia của nhiều nhà khoa học uy tín, đánh giá giá trị di sản địa chất, văn hóa tại Núi Thành đã đặc biệt nhấn mạnh giá trị địa chất, cảnh quan thiên nhiên của cụm danh thắng.[10][11]

Sinh thái biển

Khu vực Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa có khoảng 90ha rạn san hô với khoảng 100 loài, trong đó phần lớn là san hô gạc nai và san hô khối, 41 loài rong biển, 168 loài cá,[10] trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao như cá hồng, cá mú, cá lượng cùng với tôm hùm đỏ, tôm hùm sỏi, rong biển[12] và nhiều loài ốc đẹp.

Từ năm 2006 đến 2008, với sự cộng tác của ngư dân địa phương và Viện Hải dương học Nha Trang, 1.300 tập đoàn san hô trên 120 giá thể nhân tạo và bề mặt nền đá gốc đã được phục hồi trong diện tích 500m2 mặt nước ở độ sâu 2-6, tại sườn đông nam của Hòn Dứa. Từ năm 2009, theo hợp tác hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu, dự án bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rạn san hô Tam Hải, góp phần bảo vệ môi trường biển và bước đầu phát triển du lịch sinh thái cộng đồng đã được cộng đồng cư dân xã Tam Hải cùng Hội Liện hiệp phụ nữ huyện Núi Thành phối hợp thực hiện.[10]

Vinh danh

Cụm thắng cảnh Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng Danh thắng cấp tỉnh vào tháng 9 năm 2017[9] và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích quốc gia tháng 2 năm 2023.[13][14]

Tham khảo

  1. ^ “Xếp hạng di tích quốc gia (Danh lam thắng cảnh Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa)”. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Truy cập ngày 13 tháng 5 năm 2023.
  2. ^ Viet Chelsea (21 tháng 5 năm 2018). “Vùng biển Tam Thanh không chỉ có làng bích họa”. VnExpress. Truy cập ngày 13 tháng 5 năm 2023.
  3. ^ a b c Lê Trung (17 tháng 11 năm 2018). “Về Tam Hải nghe đá 'thở'. Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 13 tháng 5 năm 2023.
  4. ^ Quyên Quyên. “Danh lam thắng cảnh Bàn Than - Hòn Mang- Hòn Dứa được xếp hạng di tích cấp quốc gia”. Báo Công an TP Đà Nẵng. Truy cập ngày 13 tháng 5 năm 2023.
  5. ^ Thanh Ba - Thành Giang (26 tháng 11 năm 2012). “Dập dềnh sóng vỗ Bàn Than”. Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 13 tháng 5 năm 2023.
  6. ^ Nguyên Linh (10 tháng 12 năm 2021). “Danh thắng Bàn Than ở Quảng Nam bị rác thải bủa vây”. Người Lao động. Truy cập ngày 13 tháng 5 năm 2023.
  7. ^ An Trường (20 tháng 6 năm 2020). “Khám phá đảo Hòn Dứa”. Báo Đắk Lắk. Truy cập ngày 13 tháng 5 năm 2023.
  8. ^ Nguyễn Quỳnh (1 tháng 3 năm 2023). “Danh lam thắng cảnh Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa được xếp hạng di tích quốc gia”. Báo Quảng Nam. Truy cập ngày 13 tháng 5 năm 2023.
  9. ^ a b c Lâm Đăng Khoa (31 tháng 7 năm 2020). “Miên man Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa”. Báo Biên phòng. Truy cập ngày 13 tháng 5 năm 2023.
  10. ^ a b c Việt Nguyễn (12 tháng 2 năm 2021). “Gìn giữ Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa”. Báo Quảng Nam. Truy cập ngày 13 tháng 5 năm 2023.
  11. ^ Văn Phin. “Đề nghị xếp hạng danh thắng cấp quốc gia Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa”. Báo Quảng Nam. Truy cập ngày 13 tháng 5 năm 2023.
  12. ^ Đắc Thành (19 tháng 12 năm 2021). “Nhặt rong mứt trên đá”. VnExpress. Truy cập ngày 13 tháng 5 năm 2023.
  13. ^ Viết Tuân (7 tháng 3 năm 2023). “Những di tích quốc gia mới được công nhận”. VnExpress. Truy cập ngày 13 tháng 5 năm 2023.
  14. ^ PV (28 tháng 2 năm 2023). “Thêm 12 di tích được xếp hạng cấp quốc gia”. Truy cập ngày 13 tháng 5 năm 2023.