Bước tới nội dung

Simo Häyhä

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Đây là một phiên bản cũ của trang này, do 115.76.114.55 (thảo luận) sửa đổi vào lúc 09:36, ngày 26 tháng 6 năm 2017. Địa chỉ URL hiện tại là một liên kết vĩnh viễn đến phiên bản này của trang, có thể khác biệt rất nhiều so với phiên bản hiện hành.

Trung uý Simo Hayha với khẩu súng trường Mosin-Nagant Model 28 của mình

Simo Hayha là một xạ thủ bắn tỉa của quân đội Phần Lan trong Chiến tranh Liên Xô-Phần Lan (1940). Ông là một trong những xạ thủ nổi tiếng về số địch thủ bị hạ trong lịch sử bắn tỉa. Quân Liên Xô đặt cho ông biệt danh "Cái chết trắng" (tiếng Nga: Белая смерть, tiếng Phần Lan: Valkoinen Kuolema).

Theo tuyên bố của Phần Lan (và sau đó được các nguồn phương Tây dẫn lại), Simo Hayha đã bắn hạ 505 đối phương, thành tích cao nhất đối với 1 xạ thủ bắn tỉa. Tuy nhiên, các báo cáo chiến trường được tìm ra gần đây cho thấy con số 505 chỉ là phóng đại nhằm mục đích tuyên truyền[cần dẫn nguồn]. Thành tích bắn tỉa của Simo Hayha được sĩ quan chỉ huy của ông ghi nhận là 259[1].

Cuộc đời

Simo Hayha sinh ngày 17 tháng 12 năm 1905 tại thị trấn nhỏ Rautjarvi của Phần Lan. Ông bắt đầu phục vụ trong quân đội từ 1925.

Trong Chiến tranh Liên Xô-Phần Lan, Simo Hayha tham gia bảo vệ vùng Kollaa và bằng một khẩu súng trường M28 (đây thực chất là loại súng trường Mosin Nagant của Nga do Phần Lan tự sản xuất). Khẩu súng có ống ngắm nhưng ông không sử dụng mà dùng thước ngắm thông thường vì nếu có nắng, kính ngắm sẽ lóe sáng làm lộ vị trí trong môi trường tuyết rơi, mặt khác các mục tiêu của ông thường không quá xa (khoảng 400 mét trở lại) do địa hình chiến trường phần lớn là rừng cây. Tuy nhiên ở cự ly gần thì cây rừng có thể chặn mất tầm nhìn và tiếng súng nổ lớn có thể làm lộ vị trí xạ thủ. Mặc dù là một tay bắn tỉa cừ khôi nhưng khi được trang bị một khẩu tiểu liên Suomi M-31 SMG, ông tiếp tục dùng nó nâng bảng số địch thủ bị hạ của mình.

Thành tích bắn tỉa

Đến khi chiến tranh kết thúc, quân đội Phần Lan tuyên bố Simo Hayha đã tiêu diệt được 505 lính đối phương (khoảng 200 khác được tuyên bố bị ông hạ bằng súng tiểu liên). Con số này được truyền thông dẫn lại, và nhiều người cho rằng đây là thành tích bắn tỉa cao nhất trong lịch sử.

Tuy nhiên, theo phân tích gần đây thì con số 505 này thực ra đã được quân đội Phần Lan phóng đại để tuyên truyền cổ vũ binh sĩ của họ[2]. Mặt khác, vì bất kỳ lính Liên Xô bị hạ nào đều nằm ở trận địa đối phương nên Simo Hayha không có cách nào để kiểm chứng các phát bắn của mình có trúng hay không[3]. Có nhiều mục tiêu mà Simon nghĩ là đã bắn trúng thực ra không hề trúng đạn mà họ chỉ đơn giản là nằm lăn xuống để né tránh. Chính Simo Hayha cũng không rõ chính xác thành tích của mình, trong một bài phỏng vấn ông chỉ xác nhận thành tích của mình ước lượng khoảng hơn 200, sau đó ông đã thôi không tính nữa. Việc phóng đại thành tích này phù hợp với thực tế rằng Simo Hayha đã được sử dụng như một vũ khí tuyên truyền để nâng cao tinh thần binh sĩ: báo chí Phần Lan đã hư cấu ra những huyền thoại về ông ngay từ đầu cuộc chiến tranh[4][5]

Một số phân tích gần đây[cần dẫn nguồn] căn cứ trên hồ sơ lưu trữ của Quân đội Phần Lan đã cho thấy sự bất thường trong thành tích bắn tỉa của Simo Hayha mà Phần Lan tuyên truyền như sau:[cần dẫn nguồn]

  • Ngày 22 tháng 12 năm 1939, Antti Rantamaa (tuyên úy đại đội của Simo Hayha) báo cáo anh đã hạ 138 đối phương. Ngày 19 tháng 1 năm 1940, Antti Rantamaa báo cáo nói rằng Hayha đã hạ 181 đối phương. Đến ngày 26/1/1940, con số này là 199. Đến ngày 29/1/1940, con số này là 203, và đến ngày 17/2/1940, khi Simo Hayha được trao tặng một khẩu súng mới, A. Svensson (chỉ huy sư đoàn) báo cáo là Hayha đã hạ 219.
  • Như vậy, trung bình mỗi ngày Simo Hayha hạ được khoảng 3 lính đối phương (mà ngay cả thành tích này cũng không thể xác nhận được), và càng về sau thì thành tích càng giảm xuống (chỉ còn hạ được 1-2 lính mỗi ngày) do nhiều nguyên nhân: thời tiết mùa đông ngày càng khắc nghiệt, Liên Xô thay đổi chiến thuật và Simo Hayha ngày càng phải lo đối phó với xạ thủ bắn tỉa đối phương. Đây là báo cáo thành tích rõ ràng cuối cùng của Simo Hayha.
  • Sau đó 17 ngày, tức ngày 6/3/1940, Simo Hayha bị bắn trọng thương. Sau đó, quân đội Phần Lan tuyên bố ông đã đạt con số 505 đối phương bị bắn hạ. Nhưng nếu đối chiếu với con số ngày 17/2/1940, thì tức là trong 17 ngày tham chiến cuối cùng, Simo Hayha sẽ phải hạ 17 đối phương mỗi ngày để đạt thành tích 505. Con số này rõ ràng là vô lý bởi nó tăng cao một cách bất thường so với thành tích trong giai đoạn trước đó.
  • Ngoài ra, cũng vào ngày 17/2/1940, quân Phần Lan báo cáo là Simo Hayha đã hạ khoảng 200 đối phương bằng súng tiểu liên. Con số này rõ ràng là phóng đại[cần dẫn nguồn], vì súng tiểu liên thời kỳ đó có tầm sát thương không quá 200 mét, ở cự ly chiến đấu gần như vậy thì không thể nào bắn hạ tới 200 mục tiêu mà có thể an toàn trước sự bắn trả của đối phương.[cần dẫn nguồn]

Do vậy, nếu căn cứ theo các số liệu báo cáo đến ngày 17/2/1940 và áp dụng tỷ lệ này cho các ngày hôm sau thì thành tích bắn tỉa của Simo Hayha thực ra sẽ không thể cao hơn con số 270. Điều này được khẳng định bởi hồ sơ lưu trữ. Theo báo cáo ngày 7/3/1940 (1 ngày sau khi Simo Hayha bị trọng thương), Antti Rantamaa báo cáo rằng Hayha đã hạ tổng cộng 259 đối phương[6], thấp hơn rất nhiều so với con số 505 mà quân đội Phần Lan tuyên bố sau này.

Tất nhiên con số 259 vẫn là một thành tích ấn tượng, nhưng chưa đủ để Simo Hayha vượt qua nhiều xạ thủ bắn tỉa nổi tiếng khác để giành danh hiệu "xạ thủ bắn tỉa hạ nhiều địch nhất". Theo thống kê, có khoảng 50 xạ thủ bắn tỉa có thành tích cao hơn con số 259, tiêu biểu như Mikhail Ilyich Surkov, Vladimir Gavrilovich Salbiev hoặc Vasiliy Shalvovich Kvachantiradze[7].

Một ví dụ khác về sự tuyên truyền này của Phần Lan là việc hư cấu ra nhân vật Sulo Kolkka, một xạ thủ bắn tỉa đã hạ 400 đối phương (sau chiến tranh, người ta không tìm thấy bất kỳ chứng cứ nào xác nhận Sulo Kolkka là có thật). Do đó, việc quân đội Phần Lan cố ý phóng đại thành tích của Simo Hayha là điều đương nhiên có thể đã xảy ra.

Bị bắn hạ

Khi các chỉ huy Liên Xô biết được rằng có nhiều binh lính dưới quyền của họ bị bắn tỉa tiêu diệt, họ đã nghĩ rằng đó là những tổn thất chấp nhận được của chiến tranh. Thế nhưng khi các vị chỉ huy nhận được thông tin cho biết toàn bộ những người này đều thiệt mạng dưới họng súng của một xạ thủ Phần Lan, họ đã quyết định phải hành động. Ban đầu phía Hồng quân điều đến một tay súng chống bắn tỉa để tiêu diệt đối thủ. Thế nhưng khi thi thể của tay súng chống bắn tỉa này được đưa về, Hồng quân quyết định cử hẳn một đội bắn tỉa xuống để giải quyết vấn đề nhức nhối này.

Một thời gian sau, khi cả đội bắn tỉa này không hoàn thành nhiệm vụ, họ quyết định tung ra cả một đơn vị bắn tỉa lớn để truy lùng tay súng bắn tỉa bí ẩn này của đối phương. Thế nhưng cả đơn vị bắn tỉa đó đã phải gánh chịu nhiều thương vong mà vẫn không tìm ra tung tích của Hayha. Khả năng ngụy trang và ẩn nấp của người lính bắn tỉa này thì rất điêu luyện. Trong thời tiết giá lạnh và mặt đất phủ đầy tuyết, Hayha mặc bộ đồ ngụy trang trắng toát. Hayha sử dụng khẩu súng trường với thước ngắm kim loại để giảm tiết diện bộc lộ của bản thân, bởi việc sử dụng kính ngắm đòi hỏi xạ thủ phải vươn đầu lên để ngắm bắn.

Hayha còn sử dụng một chiến thuật rất khôn ngoan là nén chặt tuyết ở ngay phía trước nòng súng để khi bắn tuyết không bị tung lên khiến anh bị lộ vị trí. Anh cũng ngậm tuyết ở trong miệng để hơi thở không bị ngưng đọng và bộc lộ vị trí của xạ thủ. Ngoài ra, thể hình bé nhỏ của ông (chỉ cao 1,52 mét) cũng tạo thuận lợi cho việc ẩn nấp và ngụy trang.

Tuy nhiên, cuối cùng thì Simo Hayha cũng đã bị một xạ thủ bắn tỉa Liên Xô đánh bại. Trong một trận đánh vào ngày 6 tháng 3/1940, một xạ thủ bắn tỉa Liên Xô đã phát hiện ra Hayha, và xạ thủ này đã bắn một phát đạn chính xác vào mặt Simo Hayha. Viên đạn bắn vỡ hàm và phá hủy gò má trái của ông. Vết thương khủng khiếp này đã khiến Hayha bị mất nửa khuôn mặt, ông hôn mê và được các đồng đội tìm thấy trên chiến trường. Mặc dù vậy, Hayha đã may mắn không chết và tỉnh lại trong bệnh viện sau đó 7 ngày, đúng ngày hiệp định hòa bình được công bố. Do vết thương này, cuộc đời quân ngũ của Hayha coi như đã kết thúc.

Cuối đời

Ngày 13 tháng 3 năm 1940, chiến tranh kết thúc và ông được đích thân Thống chế Carl Gustaf Emil Mannerheim, người chỉ huy quân đội Phần Lan thăng cấp bậc. Mặc dù vậy, ông không tiếp tục tham gia cuộc chiến tranh Tiếp diễn sau đó bởi vết thương trên mặt khiến ông không thể chiến đấu được nữa.

Simo Hayha qua đời ngày 1 tháng 4 năm 2002.

Tham khảo

  1. ^ https://books.google.com.vn/books?id=R948DQAAQBAJ&pg=PT35&dq=simo+hayha+219+kills&hl=vi&sa=X&ved=0ahUKEwjAr_bR0frSAhXGwLwKHRBhAzgQ6AEIKjAC#v=onepage&q=simo%20hayha%20219%20kills&f=false
  2. ^ [http://guns.connect.fi/gow/hayha.html LUKEMATTOMAT KIRJAT: Simo Häyhä, "Valkoinen kuolema". PETRI SARJANEN, Toinen. 1998. ISBN 952-5170-05-5
  3. ^ Marjomaa, Risto: Häyhä, Simo (1905–2002). Teoksessa Suomen kansallisbiografia. 4, Hirviluoto–Karjalainen. Helsinki: Suomalaisen Kirjallisuuden Seura, 2004. ISBN 951-746-445-2 (viitattu 29.1.2008) - "Osuman tulosta ei tietenkään voitu varmistaa, sillä kohteet olivat venäläisten puolella"
  4. ^ Дело запутывается ещё тем, что достижения Хяюхя использовали как оружие пропаганды: пресса создала миф о герое уже в самом начале войны
  5. ^ [1]
  6. ^ https://books.google.com.vn/books?id=R948DQAAQBAJ&pg=PT35&dq=simo+hayha+219+kills&hl=vi&sa=X&ved=0ahUKEwjAr_bR0frSAhXGwLwKHRBhAzgQ6AEIKjAC#v=onepage&q=simo%20hayha%20219%20kills&f=false
  7. ^ http://www.wio.ru/galgrnd/sniper/sniper.htm

Liên kết ngoài